Lịch sử Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27/7 và Tri ân công lao to lớn của những người có công với cách mạng
27/07/2022
Kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022)
Ngày 16/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức ký Sắc lệnh số 20/SL “Quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ”. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sĩ và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ.
Phát huy đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, 75 năm qua (27/7/1947-27/7/2022), công tác chăm sóc người có công với cách mạng đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước thực hiện với tinh thần trách nhiệm, tình cảm và vinh dự lớn lao. Các chế độ ưu đãi người có công được thực hiện đa dạng gồm trợ cấp, phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần và các chế độ ưu đãi khác như: hỗ trợ y tế, giáo dục, trang cấp dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng, tạo việc làm, hỗ trợ, cải thiện nhà ở, miễn/giảm thuế sử dụng đất, vay vốn kinh doanh…
Xác định công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, tri ân liệt sĩ là trách nhiệm, tình cảm và vinh dự để thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân đã thực hiện có hiệu quả các phong trào với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, bằng những việc làm đầy trách nhiệm và nghĩa tình. Công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh tùy từng đối tượng đã có các chính sách chăm sóc đặc thù, với những hình thức như tại gia đình, cộng đồng, các cơ sở y tế, các Trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ giai đoạn 2013-2020 và những năm tiếp theo được triển khai toàn diện, hoàn thành cơ bản các mục tiêu đặt ra của Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 14/1/2013).
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam (https://infographics.vn/)
×
Thành công! Cám ơn bạn!!