Đó là Phó Giáo sư Nguyễn Thanh Hiệp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch Thành phố Hồ Chí Minh, người đã dành trọn đam mê cho công tác đào tạo nhân lực y tế và nghiên cứu, phát triển y học gia đình.
Phải tạo ra nhiều bác sỹ để cứu người
Sinh ra vào thời điểm cả nước đều khó khăn, thiếu thốn trong những ngày cả nước vừa thoát khỏi chiến tranh, thuở nhỏ, Nguyễn Thanh Hiệp là một cậu bé ham học và học rất giỏi. Anh ước mơ trở thành bác sỹ, khoác lên mình chiếc áo blouse trắng để cứu người. Với nhiều nỗ lực, anh thi đỗ vào ngành y, trở thành bác sỹ và công tác tại Bệnh viện Nhân dân 115 Thành phố Hồ Chí Minh. Nhận được học bổng du học ở Pháp, anh bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sỹ y học chuyên ngành dịch tễ học lâm sàng tại Đại học Bordeaux (Pháp), trở thành Tiến sỹ y khoa trẻ nhất Việt Nam vào năm 2005. Đến năm 2015, Nguyễn Thanh Hiệp được phong học hàm Phó Giáo sư, là một trong những Phó Giáo sư y học trẻ nhất Việt Nam lúc bấy giờ.
Vào thời điểm cầm tấm bằng Tiến sỹ y khoa trong tay, Nguyễn Thanh Hiệp được mời ở lại Pháp làm việc trong môi trường y học phát triển bậc nhất châu Âu nhưng anh đã từ chối, quyết định về nước phục vụ đồng bào. Trở lại Việt Nam, anh vừa công tác tại Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch vừa làm bác sỹ điều trị tại Bệnh viện Nhân dân 115.
Sau một thời gian Nguyễn Thanh Hiệp nhận thấy nếu chỉ làm bác sỹ đơn thuần thì chỉ cứu được một số lượng bệnh nhân nhất định. Bởi vậy, anh tập trung hơn vào công tác đào tạo nhân lực cho ngành y tế tại Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. “Làm một người bác sỹ để chữa bệnh cứu người đã là đáng quý nhưng nếu mình tạo ra được hàng trăm, hàng ngàn bác sỹ thì chắc chắn sẽ càng có nhiều người bệnh hơn được cứu chữa; điều này càng đáng quý gấp bội”, bác sỹ Nguyễn Thanh Hiệp tâm niệm.
Từ các vị trí quản lý khoa, phòng, nhờ tài năng và những cống hiến có giá trị, Nguyễn Thanh Hiệp được bổ nhiệm làm lãnh đạo nhà trường. Trên cương vị Phó hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch anh luôn nỗ lực để tạo ra môi trường học tập hướng đến tính chuyên nghiệp, từ đó đào tạo nên nhiều thế hệ nhân viên y tế “vừa hồng vừa chuyên” không chỉ cho Thành phố Hồ Chí Minh mà còn cả khu vực phía Nam.
Trong quá trình công tác, Phó Giáo sư Nguyễn Thanh Hiệp đề xuất nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giảng dạy. Tiêu biểu là sáng kiến “Nghiên cứu ứng dụng phương pháp giảng dạy suy luận lâm sàng (ARC) cho sinh viên y khoa năm thứ 5 và lượng giá khách quan có cấu trúc (OSCE) cho học viên sau đại học học phần Y học gia đình”; “Cải tiến chương trình giảng dạy tiền lâm sàng cho sinh viên Y2”…
Từng du học ở Pháp nên Nguyễn Thanh Hiệp luôn nỗ lực thúc đẩy việc mở rộng hợp tác đào tạo, quan hệ quốc tế với các nước có nền y tế hiện đại như Pháp, Đức, Bỉ… Những năm gần đây, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch liên tục gửi sinh viên y khoa năm cuối sang Đức để thực tập lâm sàng trong một năm. Đây cũng là lần đầu tiên một trường đại học y khoa tại Việt Nam gửi sinh viên y khoa năm cuối đến một quốc gia có nền y học tiên tiến tại châu Âu. Điều này mở ra cơ hội cho sinh viên y khoa Việt Nam được tiếp cận sớm với công nghệ đào tạo bài bản của các nền y học tiên tiến.
"Dò đường" cho y học gia đình
Không chỉ chuyên tâm giảng dạy, một lần tình cờ tham dự hội thảo về mô hình phòng khám theo nguyên lý y học gia đình của Đại học Liège (Vương quốc Bỉ), Nguyễn Thanh Hiệp đã tìm ra “chân lý” mới cho cuộc đời mình. Từ đó, anh bắt đầu tìm tài liệu, nghiên cứu về lĩnh vực này. Nhận thấy hệ thống bác sỹ gia đình chính là xu thế, là tương lai phát triển, với nhiệm vụ vừa dự phòng vừa điều trị, giúp người dân phòng tránh bệnh tật, xử lý ban đầu tình trạng bệnh tật và là cầu nối giữa người bệnh với bệnh viện tuyến trên, bác sỹ Nguyễn Thanh Hiệp quyết tâm đưa mô hình này về Việt Nam.
Sau đó, Phó Giáo sư Nguyễn Thanh Hiệp và các cộng sự được Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng Đề án thí điểm phát triển mô hình phòng khám bác sỹ gia đình tại thành phố. Để triển khai thực hiện, anh đã đi đến nhiều nước trên thế giới tìm hiểu về mô hình phòng khám bác sỹ gia đình và tìm ra những điểm tương đồng để áp dụng vào thực tế tại Việt Nam.
Năm 2012, phòng khám bác sỹ gia đình đầu tiên được thành lập tại Bệnh viện Quận 10 và ngay lập tức đã thu hút sự quan tâm của người dân. Chỉ trong thời gian ngắn, nơi đây tiếp nhận hàng nghìn lượt khám bệnh mỗi ngày. Sau thành công ban đầu này, với sự tham mưu của bác sỹ Nguyễn Thanh Hiệp, Sở Y tế thành phố đã nhân rộng mô hình tại các bệnh viện quận, huyện và sau đó nhân rộng ra tại các trạm y tế và cả các phòng khám tư nhân.
Từ cơ sở đó, năm 2013, Bộ Y tế bắt đầu triển khai Đề án “Xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sỹ gia đình tại Việt Nam giai đoạn 2013-2020”. Đến nay, trên cả nước đã có hàng trăm phòng khám bác sỹ gia đình, sau đó các trạm y tế phường, xã trên toàn quốc cũng được đổi mới theo nguyên lý y học gia đình, trở thành cơ sở y tế gần dân nhất, cung cấp các dịch vụ y tế ban đầu cho người dân. Thành quả này có sự đóng góp không nhỏ của Phó Giáo sư Nguyễn Thanh Hiệp.
Không nhận công lao về mình, Phó Giáo sư Phan Thanh Hiệp nhìn nhận con đường phát triển y học gia đình tại Việt Nam đang đi đúng hướng nhưng tốc độ vẫn còn khá chậm. Với kiến thức và tầm nhìn của mình, anh đã nhiều lần tham mưu cho Sở Y tế và cả Bộ Y tế về các phương án “cởi trói” cơ chế để phát triển y học gia đình trên toàn quốc. Trong đó, theo Phó Giáo sư Nguyễn Thanh Hiệp, nhanh và hiệu quả nhất vẫn là tận dụng hệ thống các trạm y tế phường, xã và các phòng khám tư nhân sẵn có. “Chỉ cần cởi trói về cơ chế tài chính, giải phóng bác sỹ khỏi các thủ tục hành chính, thanh toán bảo hiểm y tế và đầu tư có chọn lọc tùy mô hình bệnh tật từng khu vực thì đây sẽ chính là những phòng khám bác sỹ gia đình hoạt động hiệu quả và gần dân nhất”, anh chia sẻ.
Để giải quyết bài toán nhân lực cho các phòng khám bác sỹ gia đình, Phó Giáo sư Nguyễn Thanh Hiệp có sáng kiến “Đào tạo online bác sỹ gia đình và các lớp đào tạo sau đại học về y học gia đình”. Sáng kiến được triển khai thành công cho hơn 500 bác sỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành trong nước. Phương thức đào tạo này được Bộ Y tế đánh giá cao và đặt hàng đào tạo cho một số địa phương. Anh cũng xây dựng thành công chương trình cấp quốc gia đào tạo về chăm sóc sức khỏe theo nguyên lý y học gia đình cho bác sỹ công tác tại trạm y tế xã; tham gia xây dựng thành công mạng lưới Phòng khám bác sỹ gia đình quy mô quốc gia. Gần đây nhất, Phó Giáo sư Nguyễn Thanh Hiệp đã tham gia xây dựng Phòng khám bác sỹ gia đình thuộc Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Đây trở thành trung tâm huấn luyện và đào tạo y học gia đình cho Thành phố Hồ Chí Minh.
“Kể từ khi biết đến y học gia đình, tôi chưa từng thôi nghĩ về nó. Tôi mong các phòng khám bác sỹ gia đình phủ rộng khắp đất nước, đến gần hơn với người dân để mỗi người đều có một hồ sơ sức khỏe của riêng mình, được kiểm tra, dự phòng sức khỏe hàng tháng, từ đó giảm gánh nặng bệnh tật cho họ, giảm quá tải cho bệnh viện, cho nhân viên y tế”.
Đây là ước nguyện lớn nhất của Phó Giáo sư Nguyễn Thanh Hiệp và anh vẫn kiên định đi trên con đường đã chọn dù chắc chắn còn rất dài với nhiều khó khăn, thách thức. Bằng niềm tin của mình về một hệ thống y tế cơ sở trọn vẹn trong tương lai, Nguyễn Thanh Hiệp vẫn mỗi ngày cần mẫn truyền lửa về y học gia đình, nỗ lực đào tạo nhiều hơn bác sỹ y học gia đình với mục tiêu làm sao để nâng cao việc chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng sống của người dân Việt Nam.
Bài và ảnh: Đinh Hằng (TTXVN)