Chiều ngày 2/11, Phòng khảo thí Trường Đại học Y khoa (ĐHYK) Phạm Ngọc Thạch đã tổ chức Hội thảo “Chuẩn hóa quy trình tổ chức OSCE và các phương pháp lượng giá lâm sàng khác”. Hội thảo có sự góp mặt của các thầy cô các Bộ môn thuộc Trường ĐHYK Phạm Ngọc Thạch.
Tham dự Hội thảo có TS. BS. Phan Nguyễn Thanh Vân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHYK Phạm Ngọc Thạch; PGS. TS. BS. Phạm Đăng Diệu, Nguyên Phó Hiệu trưởng nhà trường; ThS. BS. Nguyễn Dũng Tuấn, Trưởng phòng Khảo thí; ThS. BSCKII. Mai Duy Linh, Giáo vụ đại học Bộ Môn Nội, Trưởng ban Đào tạo khoa Y; BS. Nguyễn Thị Mỹ Linh, Giáo vụ Bộ môn Điều dưỡng Lâm sàng; cùng với sự tham gia của 80 giảng viên, nhân viên là đại diện cho các Khoa, Phòng, Trung tâm, Phòng khám Đa khoa, các Đơn vị thuộc Trường ĐHYK Phạm Ngọc Thạch.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. BS. Phan Nguyễn Thanh Vân, Phó hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh mục đích của chương trình là thảo luận các vấn đề làm sao để nâng cao chất lượng công tác tổ chức OSCE và lượng giá lâm sàng, chuẩn hóa các khâu tổ chức, chuẩn hóa quy trình và đặc biệt là sau khi trải qua kỳ thi, các thầy cô có thể lượng giá được đúng năng lực sinh viên nhà trường.
Mở đầu chương trình, ThS. BSCKII. Mai Duy Linh, Giáo vụ đại học Bộ Môn Nội, Trưởng ban Đào tạo khoa Y đã giới thiệu về quá trình Trường ĐHYK Phạm Ngọc Thạch đưa OSCE vào chương trình lượng giá lâm sàng, quy trình để tổ chức cuộc thi, đưa ra những ưu, khuyết điểm trong quá trình thực hiện của Khoa Y, cùng các Bộ môn lớn như Nội, Ngoại, Sản, Nhi và Nhiễm. Đồng thời, góp ý để cải tiến công tác tổ chức OSCE.
Từ năm 2015, nhà trường đã đưa nội dung thi OSCE vào chương trình lượng giá. Tính tới thời điểm hiện tại có bốn đối tượng thực hiện thi OCSE là Y2, Y3, Y4 và Y6. Quy trình tổ chức thi sẽ được chuẩn bị từ đầu năm và kéo dài cho tới hết năm học. Dựa trên lịch thực tập lâm sàng do Phòng Quản lý Đào tạo và Phòng Thực hành Lâm sàng ban hành, các Bộ môn sẽ đề xuất phòng thi, đề xuất các mô hình, bệnh nhân chuẩn cần có, thông báo quy trình thi với sinh viên trước 2 tuần, phân công cho các giảng viên coi thi, chấm thi, và biên soạn đề thi. Mỗi kỳ thi được tổ chức trong suốt 1 tuần với tổng thời gian là 10 buổi, mỗi buổi 8 phòng, mỗi phòng trung bình có 1 giảng viên chấm thi và 60 – 70 sinh viên tham dự.
Về ưu điểm, OSCE là đánh giá được toàn diện và khách quan, đặc biệt là kỳ thi của Y4 và Y6, khi số lượng trạm cao khiến sinh viên không thể học tủ được. Về mặt hạn chế, với số lượng sinh viên đông khiến ban tổ chức kỳ thi không thể đánh giá toàn bộ trong 1 ngày do thiếu phòng và thiếu giảng viên gác thi, chấm thi.
Đối với các phương pháp lượng giá khác thì tình huống lâm sàng được sử dụng nhiều nhất. Đối với Khoa Ngoại sẽ có thêm cách thi vấn đáp. Về tình huống lâm sàng, phương pháp này thường dễ thực hiện nhưng chỉ đánh giá được một số kỹ năng nhất định, còn các kỹ năng như tư vấn, khám bệnh,… thì không đánh giá được. Còn đối với thi vấn đáp, đòi hỏi phải có từ 2 tới 3 giảng viên để đánh giá được tính công bằng, với ít mục tiêu đánh giá, cũng như mức độ khó dễ ở mỗi ca lâm sàng sẽ không đồng nhất.
Tiếp nối chương trình là phần trình bày của BS. Nguyễn Thị Mỹ Linh, Giáo vụ Bộ môn Điều dưỡng Lâm sàng, đại diện CECICS trình bày Quy trình Tổ chức OSCE theo tiêu chuẩn của Hội Mô phỏng lâm sàng Quốc tế (SSH). Trong phần trình bày của mình, BS. Linh đã giới thiệu về Hội Mô phỏng lâm sàng Quốc tế (SSH), quy trình thực hiện mô phỏng lâm sàng tại CECICS theo tiêu chuẩn của SSH và các chính sách hiện tại của CECICS về bệnh nhân chuẩn cũng như là cách tổ chức OSCE tại CECICS. Với quy trình đặc thù của CECICS, BS. Nguyễn Thị Mỹ Linh đã chỉ ra việc tổ chức thi OSCE sẽ không thể tổ chức thi theo nhóm lớn mà phải chia nhỏ mỗi nhóm từ 5 -7 sinh viên, để các bạn có thể “debriefing” tại mỗi phiên mô phỏng.
Ảnh 1. Tại Hội thảo, Phòng Khảo thí đã báo cáo tóm tắt khảo sát về công tác tổ chức OSCE tại Trường
Trước khi đến với phần thảo luận chung, Phòng Khảo thí cũng đã báo cáo tóm tắt khảo sát về công tác tổ chức OSCE tại trường với đối tượng khảo sát là các Bộ môn lâm sàng thuộc Khoa Y, tình hình sử dụng OSCE trong các trường Y tại Việt Nam và các kỳ thi cấp CCHN tại Mỹ, Anh, xu hướng sử dụng Work Place Based Assessment (WPBA), bối cảnh kiểm định cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo – nhu cầu minh chứng về tính giá trị và mẫu xây dựng Ma trận và giới thiệu phương pháp xác định độ giá trị nội dung của các bảng kiểm sử dụng trong kỳ thi.
Ảnh 2, 3. Một số hình ảnh tại phiên thảo luận tại chương trình
Kết thúc chương trình, Phòng Khảo thí Trường ĐHYK Phạm Ngọc Thạch đã ghi nhận các ý kiến đóng góp của các giảng viên tham dự, đưa ra định hướng và các kế hoạch để xây dựng quy lượng giá sinh viên trong thời gian tới.
Lưu Đình Phương Anh (Thư viện)