Sáng ngày 06/03, Trường Đại học Y khoa (ĐHYK) Phạm Ngọc Thạch đã tiếp đón đoàn làm việc của Viện Chiến Lược và Chính Sách Y Tế về nhiệm vụ “Đánh giá nhu cầu nhân lực và năng lực đào tạo của các cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe đến năm 2030”.
Đến tham dự chương trình, về phía Viện Chiến lược và Chính sách Y tế có ThS. Nguyễn Thị Thủy, Phó Trưởng khoa Quản lý cung ứng dịch vụ y tế; ThS. Mai Xuân Thu, Nghiên cứu viên khoa Quản lý cung ứng dịch vụ y tế; CN. Nguyễn Minh Anh, Nghiên cứu viên khoa Quản lý cung ứng dịch vụ y tế.
Về phía nhà trường có sự tham gia của TS. BS. Phan Nguyễn Thanh Vân, Phó Hiệu trưởng; PGS. TS. BS. Huỳnh Quang Huy, Trưởng phòng Quản lý Thực hành Lâm sàng; TS. BS. Hồ Nguyễn Anh Tuấn, Phó trưởng Phòng Quản lý đào tạo Đại học; TS. BS. Nguyễn Nam Hà, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo Sau Đại học; TS. Đặng Thị Thùy Linh, Phó trưởng Phòng Quản lý Đào tạo Đại học; ThS. BS. Phạm Công Danh, Phó chánh Văn phòng Trường; cùng đại diện các Khoa, Phòng, Trung tâm, các giảng viên và sinh viên Trường.
Ảnh 1. Tổng quan phiên làm việc của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế với Ban Giám hiệu và và lãnh đạo các Khoa, Phòng.
Phát biểu mở đầu chương trình, TS. BS. Phan Nguyễn Thanh Vân, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, chương trình làm việc lần này sẽ chú trọng tinh thần “người thật, việc thật” để có thể thu thập những dữ liệu chính xác góp phần hỗ trợ Bộ Y tế xây dựng “Đề án phát triển nhân lực y tế giai đoạn 2023 – 2030, tầm nhìn 2050” mang tính thực tế, khách quan, để hỗ trợ công tác xây dựng và phát triển đội ngũ nhân lực ngành y tế tốt hơn.
Ảnh 2. TS. BS. Phan Nguyễn Thanh Vân, Phó Hiệu trưởng nhà trường chỉ đạo chương trình khảo sát cần chú trọng “người thật, việc thật” để hỗ trợ Bộ Y tế thu thập được các dữ liệu đúng với thực trạng hiện nay.
Chương trình làm việc lần này gồm 3 nội dung chính: (1) Chương trình thảo luận với Ban Giám hiệu và đại diện các phòng chức năng phụ trách công tác tuyển sinh và đào tạo; (2) Chương trình thảo luận với các giảng viên thuộc các Khoa, Bộ môn của Trường; (3) Chương trình thảo luận với nhóm học viên, sinh viên năm cuối thuộc nhiều chuyên ngành đào tạo khác nhau.
Trong chương trình làm việc với Ban Giám hiệu nhà trường và lãnh đạo các Khoa, Phòng, Trung tâm, ThS. BSCKII. Phan Duy Quang, chuyên viên Phòng Quản lý đào tạo Sau Đại học đã giới thiệu cho Đoàn làm việc của Viện Chiến Lược và Chính Sách Y Tế tổng quan về Trường. Đồng thời, ông cũng báo cáo một số nội dung về công tác tuyển sinh, công tác phục vụ cho việc mở mã ngành đào tạo của nhà trường trong giai đoạn 2019 – 2024, các điều kiện nguồn lực phục vụ đào tạo như: cơ sở hạ tầng, các trang thiết bị giảng dạy và về đội ngũ giảng viên cơ hữu cũng như giảng viên thỉnh giảng đang công tác tại trường để Đoàn công tác nắm thông tin và làm cơ sở tham chiếu trong việc xây dựng và hoàn thiện Đề án.
Cũng tại chương trình ThS. BS. Phạm Công Danh, Phó chánh Văn phòng Trường đã trình bày một số vấn đề còn hiện hữu: “Để đào tạo được các bác sĩ vững lý thuyết, giỏi thực hành, nhà trường rất cần sự kết nối với các cơ sở thực hành như bệnh viện, trung tâm y tế quận, phường, xã,...tuy nhiên các chi phí chi trả cho các cơ sở thực hành còn thấp. Ngoài ra, trong giai đoạn 2016-2020, sau khi có danh sách sinh viên tốt nghiệp, Sở Y tế TP.HCM sẽ lên danh sách cho các bạn sinh viên đăng ký chọn nhiệm sở, đảm bảo đầu ra cho các tân bác sĩ, dược sĩ, ... Tuy nhiên, trong giai đoạn 2021 – 2025, do chưa có kế hoạch, chính sách hành động, đồng thời từ 2018 nhà trường phải tự chủ tài chính theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP, dẫn đến việc khó khăn trong việc phân nhiệm sở cho sinh viên tốt nghiệp. Một vấn đề nữa cần lưu tâm là định mức kinh phí kỹ thuật cần có dự thảo chi tiết từng ngành, và dự thảo kinh phí kỹ thuật này sẽ là cơ sở để các cơ sở giáo dục nói chung và nhà trường nói riêng rà soát lại các đề án mở mã ngành, cũng như xây dựng dự toán mua sắm trang thiết bị chuyên dùng cho khối ngành sức khỏe.”
Sang phiên 2, với nội dung làm việc là thảo luận với nhóm đại diện các giảng viên thuộc các Khoa, Bộ môn. Các giảng viên đã thảo luận sôi nổi về “Số lượng, chất lượng đội ngũ giảng viên hiện nay có đáp ứng được công tác giảng hay không?”, “Nguồn lực về cơ sở hạ tầng, về trang thiết bị giản dạy có được cung cấp đầy đủ và phù hợp với các trang thiết bị tại các đơn vị thực hành lâm sàng không?” Đồng thời, Đoàn công tác cũng tìm hiểu về các khó khăn, bất cập còn tồn đọng hiện nay.
Phiên cuối cùng, Đoàn công tác tiếp xúc, gặp gỡ các sinh viên năm cuối thuộc các chuyên ngành đào tạo của nhà trường. Các nghiên cứu viên khoa Quản lý cung ứng dịch vụ y tế đã tìm hiểu suy nghĩ của sinh viên nhà trường về mức độ phù hợp của chương trình đào tạo hiện nay, các cơ sở vật chất, trang thiết bị có đảm bảo được chương trình đào tạo được đề ra không, cũng như cảm nhận của các bạn sinh viện về cơ sở thực hành và về đội ngũ giảng viên của nhà trường.
Ảnh 3. Đoàn công tác tiếp xúc, gặp gỡ các sinh viên năm cuối thuộc các chuyên ngành đào tạo của nhà trường.
Thông qua trao đổi, và thực hiện khảo sát của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, nhà trường có cơ hội nêu lên các thuận lợi, khó khăn hiện nay trong công tác tuyển sinh, đào tạo nguồn nhân lực y tế, cũng như đưa ra các đề xuất kiến nghị nhằm bổ sung, điều chỉnh các quy định công tác đào tạo tại các trường có chức năng đào tạo chuyên ngành sức khỏe góp phần hỗ trợ Bộ Y tế xây dựng “Đề án phát triển nhân lực y tế giai đoạn 2023 – 2030” một cách hiệu quả, chất lượng cũng như đáp ứng số lượng về nhân lực y tế cho giai đoạn tiếp theo.
Ảnh 4. Ban Giám hiệu, đại diện các Khoa, Phòng, Trung tâm cùng Đoàn công tác của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế chụp ảnh lưu niệm tại cuối buổi làm việc.
TS. BS. Đặng Chí Vũ Luân